Mô hình giáo dục đại học Pháp ở Việt Nam
Lý do chọn Học viện Nông nghiệp Việt Nam
NCS. Nguyễn Thế Bắc chụp ảnh lưu niệm
Từ hướng tiếp cận lịch sử văn học, luận án nhằm dựng nên diện mạo của thể loại truyện trinh thám Việt Nam: sự ra đời, phát triển, đặc điểm thể loại, xu hướng vận động và dự báo về khả năng phát triển của thể loại truyện trinh thám Việt Nam hiện nay.
Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án là công trình nghiên cứu một cách hệ thống về thể loại truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn lịch sử văn học.
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ quy luật hình thành, vận động, các giai đoạn phát triển, những thành tựu cơ bản, đánh giá và dự báo xu hướng vận động và khả năng phát triển của thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại.
Luận án góp phần làm sáng rõ, khẳng định đặc trưng chung thể loại truyện trinh thám và đặc điểm truyện trinh thám Việt Nam; đánh giá khách quan những đóng góp, vị trí, vai trò của thể loại truyện trinh thám đối với sự vận động, đa dạng hóa, hiện đại hóa văn học Việt Nam.
Luận án có ý nghĩa khẳng định đặc trưng thể loại truyện trinh thám nói chung và đặc điểm thể loại truyện trinh thám Việt Nam nói riêng.
Luận án góp phần nhận diện rõ sự hình thành, quy luật vận động, những thành tựu, đặc điểm, xu hướng vận động, chiều hướng phát triển của thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại; là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho giới nghiên cứu, giảng dạy, học tập cũng như giới sáng tác và công chúng.
Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.
3. Một số xu hướng chuyển biến chính văn hóa chính trị Việt Nam từ năm 1975 đến nay
Với Đại thắng mùa Xuân 1975 sự nghiệp lâu dài, gian khổ kháng chiến chống giặc ngoại xâm và đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta đã hoàn thành. Cả nước bước vào kỷ nguyên mới: hòa bình dựng xây đất nước, xây dựng CNXH, để đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Nhưng trên chặng đường gần 50 năm qua, dân tộc ta đã phải kinh qua nhiều khó khăn gian khổ, có phần còn gay gắt và phức tạp, nan giải hơn cả thời kỳ trước. Trước hết là chúng ta phải vượt qua hai cuộc kháng chiến nhiều gian khổ, hy sinh, kéo dài hơn 10 năm (1977-1989) chống lại hai thế lực ngoại xâm ở cả hai đầu phía Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Cùng với đó là phải nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng của thời hậu chiến, giữa lúc Liên Xô và phe XHCN tiến hành cải tổ thất bại và sụp đổ, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm vận, bao vây khắc nghiệt. Từ tháng 12 năm 1986 công cuộc Đổi mới được Đảng ta khởi xướng, nhưng cũng phải mất khoảng 10 để tìm tòi, tháo gỡ khó khăn. Từ khoảng năm 1995 đến nay công cuộc Đổi mới đã ngày một toàn diện, sâu sắc hơn và giành được những thắng lợi quan trọng, với thành thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, Đảng ta đã có thể khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”[1]
Có thể tóm lược những thành tựu quan trọng nhất mà dân tộc ta đã đạt được trong gần 5 thập kỷ qua là: Một là đảm bảo được độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Hai là giữ vững và củng cố được chế độ chính trị, đảm bảo đất nước hòa bình, ổn định vĩ mô; Ba là đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt về nhiều phương diện, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng và cơ bản phát triển bền vững; Bốn là chủ động hội nhập thành công với khu vực và thế giới, vị thế và uy tín quốc gia được không ngừng cải thiện; Năm là khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, sự đồng thuận xã hội ngày càng được tăng cường.
Tuy nhiên, những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được chưa thực sự bền vững. Một phần là do những yếu tố quốc tế và thời đại của quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển như vũ bão của công nghệ cao, cuộc cạnh tranh gay gắt trên phạm vi toàn cầu ở tất cả các lĩnh vực và sự chống phá của các thế lực thù địch. Một mặt khác là bốn nguy cơ nảy sinh trong quá trình Đổi mới và phát triển đất nước, đó là tụt hậu xa hơn về trình độ phát triển; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Trong một bài phát biểu gần đây nhất, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; bốn nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; "diễn biến hoà bình") mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn”.[2]
Chính là trong bối cảnh lịch sử như trên, nền văn hóa chính trị Việt Nam đã có những chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ và có cả những diễn biến phức tạp. Chúng tôi xin chỉ ra đây một số xu hướng chuyển biến chính như sau:
3.1.1.Một số chuyển biến của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống và tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam luôn luôn được coi là yếu tố cốt lõi nhất, quan trọng nhất của văn hóa chính trị Việt Nam xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử, là cơ sở vững chắc cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đây là một chân lý, không ai có thể bàn cãi gì được. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.”[3]
Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng, giành độc lập và trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tinh thần yêu nước đã được phát huy cao độ, “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”[4]
Nhưng khi đất nước đã hết chiến tranh, chuyển sang thời kỳ hòa bình xây dựng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cần phải được phát huy thế nào?
Đây là một câu hỏi lớn mà trong suốt 5 thập kỷ qua chúng ta chưa nghiên cứu thấu đáo, thực chất là chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vì vậy, việc phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa đạt hiệu quả cao.
Thực tế là từ sau năm 1989 mục đích, nội dung, phương hướng của chủ nghĩa yêu nước đã có những thay đổi căn bản, và do vậy, chủ nghĩa yêu nước cần có sự thay đổi về hình thức và phương thức biểu hiện và cách thức để thẩm thấu vào các lĩnh vực của đời sống dân tộc. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục kéo dài những phương thức tuyên truyền và giáo dục tinh thần yêu nước của thời kỳ trước năm 1975. Điều này không hẳn là sai, nhưng càng ngày càng tỏ ra bất cập.
Còn thiếu vắng những luận giải khoa học chắc chắn về nguồn gốc và đặc điểm của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam chân chính trong thời đại ngày nay. Cũng chưa có những kiến giải khoa học, thấu đáo về cơ chế tác động và phát huy tác động của tinh thần yêu nước. Ở đây, tư tưởng Hồ Chí Minh lại cho chúng ta những chỉ dẫn quý báu: Người viết: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.”[5]
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, bổn phận của chúng ta là phải tác động một cách tích cực, khoa học, tạo điều kiện để khơi dậy, phát huy và giúp cho tất cả người Việt Nam biết cách và có điều kiện thể hiện được tinh thần yêu nước trong hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú của mình.
Việc rút gọn vào quan niệm: yêu nước tức là căm thù giặc và tham gia đánh giặc thì không sai, nhưng không còn phù hợp. Một khi đất nước đã hết giặc thì tự đẩy giáo dục yêu nước vào thế bế tắc.
Trong khi đó, còn thiếu vắng những nghiên cứu để người dân hiểu được rằng: dạy con nên người cũng là yêu nước, chấp hành tốt pháp luật cũng là yêu nước, nhặt rác, làm vệ sinh môi trường cũng là yêu nước, “học thật, thi thật, nhân tài thật” cũng là yêu nước, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng cũng chính là yêu nước, bảo vệ và quảng bá tốt hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam cũng chính là yêu nước.
Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa dân tộc chân chính cũng là một chặng đường dài mà trong nghiên cứu lý luận và trong thực tiễn chúng ta còn chưa có ý thức đầy đủ. Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần ‘vị quốc’ của bọn đế quốc phản động”.[6]
Đây là một chỉ dẫn có tính cảnh báo rất cao đối với chúng ta, bởi lẽ từ chủ nghĩa yêu nước rất dễ bị sa vào chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, thậm chí là chủ nghĩa dân tộc cực đoan – một trong những nguyên nhân gây ra nhiều thảm họa của thế giới ngày nay. Bên cạnh tinh thần yêu nước chân chính, cao đẹp, người Việt Nam chúng ta có biểu hiện nào của chủ nghĩa dân tộc vị kỷ hay không? Việc những cuộc biểu tình của hàng vạn người ở Bình Dương, Vũng Áng xảy ra năm 2014 để phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng cũng bao gồm của việc tấn công, đập phá các doanh nghiệp nước ngoài cho thấy, chúng ta không thể không cảnh giác với những dấu hiệu vị kỷ, cực đoan nhân danh lòng yêu nước. Và đây cũng chính là một trong những vấn đề mà các thế lực thù địch, “bất đồng chính kiến” ra sức lợi dụng để xuyên tạc, chống phá chế độ của chúng ta.
Việc giáo dục lịch sử lệch lạc, một mực đề cao truyền thống chống giặc ngoại xâm, cố tình che giấu, phớt lờ toàn bộ lich sử của quá trình dân tộc diễn ra ở miền Trung và miền Nam, đặc biệt là bỏ qua nội dung lịch sử của hàng chục cuộc chiến tranh Đại Việt – Champa – Chân Lạp vv đã biến việc dạy lịch sử dân tộc Việt Nam chủ yếu chỉ còn là sự tuyên truyền một chiều cho lịch sử Đại Việt, lịch sử của người Kinh. Đây chính là một nguy cơ nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc vị kỷ rất nguy hiểm.
Rõ ràng là bước chuyển của đất nước từ thời chiến sang thời bình đã khiến cho bản thân chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc Việt Nam có những thay đổi khách quan về mục đích, nội dung, về điểm nhấn nội dung và phương thức biểu hiện. Đây chính là cái chúng ta còn chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu giáo dục tinh thần yêu nước chân chính cho các thế hệ người Việt Nam trong bối cảnh mới của đất nước và của thời đại.
3.1.2.Về định hướng xã hội chủ nghĩa trong văn hóa chính trị Việt Nam
Nước CHXHCN Việt Nam trước sau vẫn là một nước theo chế độ XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Do vậy, ý thức hệ marxist – leninist đóng vai trò rất quan trọng, vừa là nền tảng, vừa là yếu tố định hướng của văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại. Bất cứ biểu hiện nào của sự xói mòn, suy giảm độ bền vững ý thức hệ (ideologische Geschlossenheit) này cũng là nguy cơ đối với chế độ chính trị, là tổn hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng và chính là một biểu hiện của diễn biến hòa bình.
Cho đến trước khi chế độ XHCN Liên Xô và các nước ở Đông Âu sụp đổ, định hướng XHCN là một trong những định hướng chủ đạo của văn hóa chính trị Việt Nam, xét trên cả ba chiều cạnh nhận thức (cognitive dimension), tình cảm (affective dimension) và giá trị (evaluative dimension). Nhưng sự khủng hoảng và sụp đổ mô hình XHCN hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chắc chắn đã có tác động tiêu cực, rất mạnh mẽ đến định hướng này.
Thêm vào đó, khi bước sang thời kỳ Đổi mới, chúng ta không có lựa chọn nào khác là buộc phải “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, bởi đây chính là tiền đề để đổi mới tư duy lý luận về con đường đi lên CNXH ở nước ta. Đó là sự thừa nhận thẳng thắn những sai lầm của đường lối chủ quan, duy ý chí của thời kỳ trước; là sự không phù hợp, thậm chí trở thành vật cản chính của con đường đổi mới và phát triển của đất nước của mô hình CNXH hiện thực kiểu cũ mang nặng tính chất tập trung, quan liêu, bao cấp.
Việc chúng ta từ bỏ tư duy giáo điều, duy ý chí, từ bỏ chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp chỉ là sự sửa chữa sai lầm lý luận và từ bỏ một mô hình CNXH hiện thực, chứ không phải là từ bỏ lý tưởng, lý luận và những nguyên tắc chính trị của CNXH. Tuy nhiên, ngoài đội ngũ cán bộ đảng viên có trình độ lý luận chính trị vững vàng thực sự, trừ đội ngũ cán bộ và nhân dân gắn bó máu thịt với chế độ và tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản, nhiều bộ phận, nhiều nhóm nhân dân, trong đó có cả một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, và đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay, chưa hiểu rõ và hiểu đúng về điều này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng cần phải chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan.
Một là sự chậm trễ, chưa hiệu quả của công tác nghiên cứu lý luận, nhất là lý luận về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Điều này cũng khó tránh khỏi, bởi sự đổi mới tư duy lý luận luôn cần có thời gian, nhất là cần có sự tổng kết thực tiễn khoa học, đầy đủ để làm cơ sở cho các luận giải về lý luận.
Thứ hai là sự buông lỏng, thiếu sáng tạo, kém hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Điều này có phần bắt nguồn từ nguyên nhân thứ nhất, nhưng đó trước hết là sự bất cập của công tác tuyên truyền, giáo dục. Trong hàng chục năm qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta rất ít khi nhắc đến những phạm trù, những “tín điều” của “kho tàng lý luận” ngày trước, như “sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản”, “liên minh công nông”, “cuộc đấu tranh ai thắng ai”, “quá độ lên CNXH”, “chuyên chính vô sản”, “lập trường giai cấp” vv. Chả lẽ những vấn đề đó không còn có giá trị gì để bàn luận, nghiên cứu? Chắc chắn là không. Nhưng vấn đề là chúng ta chưa biết cách cập nhật và luận giải về chúng một cách khoa học, mang hơi thở của đời sống thực tiễn và đủ sức soi sáng cho hoạt động thực tiễn.
Thành tựu to lớn của công cuộc Đổi mới, những bước phát triển thần kỳ của khoa học và công nghệ, những chuyển biến mạnh mẽ của thời đại không những đòi hỏi công tác nghiên cứu, phát triển lý luận marxist – leninist của chúng ta phải vươn đến tầm của thời đại, mà cũng đang cung cấp cho chúng ta những chất liệu thực tiễn và những cứ liệu khoa học chắc chắn để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Việc Đảng ta xác định tư tưởng Hồ Chí Minh là một hợp phần của “nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” của Đảng, phát động và tổ chức triển khai liên tục cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một thành tựu rất to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tác động mạnh mẽ đến định hướng văn hóa chính trị Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.
Sự khẳng định ngày càng rõ ràng ràng, chắc chắn hơn về mục tiêu và đặc trưng của CNXH ở Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”;[7] khẳng định phương châm chính trị: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[8] là những thành tựu lý luận rất quan trọng của Đảng có sức tác động thực tiễn mạnh mẽ đối với định hướng của văn hóa chính trị Việt Nam. Trong đó, sự quán triệt triết lý phát triển bền vững đất nước mang đặc sắc XHCN của Việt Nam, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải là điều đặc biệt có ý nghĩa: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”[9] Đây chính là sự cập nhật những nguyên lý của chủ nghĩa Mác mà chính một số nước tư bản phát triển đã và đang vận dụng thành công trong việc xây dựng nhà nước phúc lợi xã hội (Wohlfahrtsstaat) trong bối cảnh chế độ TBCN, như CHLB Đức và một số nước Bắc Âu.
Thực tiễn sinh động của công cuộc chỉnh đốn Đảng, phòng chống tiêu cực và tham nhũng và những nỗ lực xây dựng và thực thi nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN, nhất là trong những năm gần đây cũng đưa lại những tác động tích cực, mạnh mẽ đối với định hướng chính trị của văn hóa chính trị Việt Nam, nhất là củng cố thêm niềm tin và thái độ chính trị tích cực của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Từ góc nhìn văn hóa chính trị, có thể thấy rõ hơn những thuận lợi, những khó khăn và nhất là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đối với công tác lý luận chính trị của Đảng.
3.1.3.Tác động của cơ chế thị trường, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân để xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại
Nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang phát triển, cho dù là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” thì vẫn phải vận hành theo những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường: đó là quy luật cung – cầu, là quy luật cạnh tranh vì lợi nhuận, tức là sự điều tiết và chi phối của các quan hệ lợi ích. Dù có sự điều tiết của nhà nước pháp quyền XHCN hay nhà nước pháp quyền tư sản thì cũng vẫn phải tôn trọng những quy luật nói trên. Bất kỳ sự can thiệp nào trái các quy luật đó, thậm chí bằng cả những biện pháp trái pháp luật như nhóm lợi ích, mafia, chủ nghĩa tư bản lũng đoạn hay tham nhũng chính sách,...thì trước sau gì cũng sẽ không bền vững và buộc phải trở về đúng trạng thái hợp quy luật.
Cơ chế đó của kinh tế thị trường chắc chắn có tác động rất đáng kể đến văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam hiện nay. Đó là những điều hầu như hoàn toàn xa lạ, bị lên án trong thời kỳ trước Đổi mới.
Chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ và chịu sự chi phối của quan hệ lợi ích. Đó là điều không tránh khỏi. Mà, chúng ta nhớ rằng, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đòi hỏi. Trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay, Đảng ta cũng luôn luôn yêu cầu chống chủ nghĩa cá nhân.
Vấn đề là trong nghiên cứu cũng như trong hoạt động thực tiễn, chúng ta chưa bao giờ làm rõ có bao nhiêu loại hình của chủ nghĩa cá nhân, và cái chủ nghĩa cá nhân mà chúng ta cần “quét sạch”[10] là chủ nghĩa cá nhân nào.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, “chủ nghĩa cá nhân” có ít nhất ba loại hình, ba phương thức biểu hiện khác nhau, đó là: 1) chủ nghĩa cá nhân vị kỷ (egoism); 2) chủ nghĩa cá nhân cá thể (individualism); và 3) chủ nghĩa cá nhân phong cách (personalism).
Cái mà chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh, phải “quét sạch” chính là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ (egoism) “lợi mình hại người”,[11] “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”[12]. Đây là thứ chủ nghĩa cá nhân mà toàn nhân loại cùng phải chống, vì nó chính “là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác”[13], bao gồm cả bệnh tham nhũng, suy thoái đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày nay.
Còn đối với chủ nghĩa cá nhân cá thể (individualism) là cái đối lập với chủ nghĩa tập thể (collectivism) thì trước đây, trong thời kỳ trước Đổi mới, chúng ta cũng coi như đánh đồng với chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, và kiên quyết lên án, bài trừ. Khi đó chúng ta xây dựng CNXH theo mô hình cũ, lấy kinh tế tập thể (với các hình thức hợp tác xã, công tư hợp doanh vv) và kinh tế nhà nước làm nền tảng. Còn trong nền kinh tế thị trường, thì trái lại, chủ nghĩa cá nhân cá thể không nhất thiết bị lên án, bị chống lại, mà thậm chí cần được tạo điều kiện, khuyến khích phát triển. Vì đó chính là nguyên tắc tôn trọng sở hữu tư nhân, tôn trọng sáng kiến cá nhân, lựa chọn cá nhân. Thiếu yếu tố này thì kinh tế thị trường không thể phát triển lành mạnh, mạnh mẽ.
Tuy nhiên, không chỉ chủ nghĩa cá nhân vị kỷ mà cả chủ nghĩa cá nhân cá thể cũng đối lập ở mức độ nhất định với tinh thần cộng đồng (communitarianism) và trách nhiệm tập thể. Vì vậy, ở một số phương diện xã hội hiện đại, dân chủ, nhân văn nhân ái của chúng ta vẫn phải đấu tranh bài trừ những biểu hiện cực đoan của chủ nghĩa cá nhân cá thể.
Còn chủ nghĩa cá nhân phong cách (personalism) lại là một yếu tố nền tảng của tinh thần nhân văn nhân ái (humanistarianism), của sáng tạo cá nhân, nhất là trong các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Thứ chủ nghĩa cá nhân này, xét đến cùng là sự tôn vinh vẻ đẹp, sự sáng tạo và tính nhân bản của con người. Cho nên, trong xã hội hiện đại người ta lại phải ra sức khuyến khích nó.
Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa cá nhân và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chính là một yêu cầu cấp bách của giới khoa học xã hội Việt Nam, để góp phần xây dựng một nền văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại, chân chính, đáp ứng yêu cầu, như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức.”[14]
3.4. Tác động của toàn cầu hóa đối với văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại
Trong thời kỳ Đổi mới, đất nước mở cửa, chủ động giao lưu và hội nhập với thế giới toàn cầu hóa. Quá trình này chắc chắn có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam. Hãy thử kiểm nghiệm xem người Việt Nam đã từng định vị dân tộc mình trong thế giới như thế nào.
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ rơi vào thế cô độc. Tuy nhiên, cho đến trước thời kỳ cận đại, người Việt Nam chủ yếu định vị dân tộc mình trong hệ luận “đối sánh Nam – Bắc”. Đó một mặt là tinh thần dân tộc tự chủ quật cường “Nam quốc sơn hà, Nam Đế cư”, “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”. Nhưng một mặt khác lại là sự mô phỏng mô hình chính trị và thế ứng xử của đế chế phương Bắc, bao gồm cả việc chấp nhận duy trì mối quan hệ “triều cống – cầu phong”, “nội đế, ngoại vương” để hòa hoãn, né tránh những xung đột không cần thiết.
Đến thời cận đại thì hệ luận “đối sánh Nam – Bắc” suy yếu hẳn, thay vào đó là hệ luận “đối sánh Đông – Tây” trong cuộc đương đầu với chủ nghĩa thực dân phương Tây. Trên các chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội, giải phóng con người, dân tộc Việt Nam đã bổ sung cho hệ luận đó những tư duy chiến lược mới, như “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”, “đồng bệnh tương lân” (Phan Bội Châu). Cùng có lúc, để giải thoát dân tộc Việt Nam khỏi vị thế tụt hậu, lớp nhà Nho cấp tiến đầu thế kỷ XX từng đề xuất mở toang cánh cửa, để Việt Nam giao tiếp với toàn thế giới, hội nhập với “mưa Âu gió Á”.
Trên tầm cao đó, Hồ Chí Minh đã mở đường để cách mạng Việt Nam kết nối được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, bằng việc lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba, và đi đến kết luận: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc chỉ có con đường cách mạng vô sản.
Từ năm 1945 đến năm 1991, sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta lại diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Tuy vậy, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không bao giờ bó hẹp tình đoàn kết hữu nghị chỉ trong phạm vi phe XHCN, nhờ đó mà cách mạng Việt Nam không chỉ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước XHCN mà còn cả sự ủng hộ, giúp đỡ rất có ý nghĩa của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Pháp, Mỹ, Nhật Bản vv.
Dẫu vậy, cho đến trước năm 1991, hệ luận Chiến tranh Lạnh, với sự chi phối của ý thức hệ và sự phân biệt “địch – ta”, đã có ảnh hưởng rất sâu đậm đối với thế giới quan chính trị và thái độ chính trị của dân tộc Việt Nam.
Sau Chiến tranh Lạnh, “phe ta” trước kia đã sụp đổ, “ba dòng thác cách mạng của thời đại” cũng không còn. Việt Nam phải tìm cách hội nhập với khu vực và thế giới trong khi vẫn phải tiếp tục đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và sự bền vững của chế độ chính trị. Đó là một thách thức sống còn. Và đối diện với thách thức đó, từ góc nhìn văn hóa chính trị, có thể nhận ra những biểu hiện của cả những xu hướng tích cực và xu hướng tiêu cực.
Với phương châm đối ngoại rộng mở, đa phương, đa tuyến, dựa trên triết lý “ngoại giao cây tre”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”, Đảng ta đã lãnh đạo thành công công cuộc chủ động hội nhập với thế giới toàn cầu hóa. Kết quả là chưa bao giờ nước ta có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thành tựu vô cùng to lớn này đã mang lại một sự tự tin mới, niềm tự hào dân tộc chân chính và thái độ ứng xử mới của các thế hệ người Việt Nam mới. Có thể nói, từ người lãnh đạo đến người dân bình thường, từ nhà doanh nghiệp cho đến người lao động, từ các nhà khoa học có trình độ cao cho tới các cháu học sinh sinh viên, ngày nay khi đi ra thế giới đã không còn mặc cảm tự ti về dân tộc ta là dân tộc nhược tiểu, đói nghèo lạc hậu và lệ thuộc, cũng không còn những sự tự huyễn của vị thế “tiền đồn” thuở trước.
Đồng thời, người Việt Nam ở mọi miền đất nước, từ nông thôn tới thành thị, đã dần quen với trạng thái mở cửa và hội nhập của đất nước. Tâm lý vọng ngoại, sính ngoại quá đà hoặc kỳ thị, tranh thủ người nước ngoài cũng đã căn bản được khắc phục. Mỗi năm hàng chục triệu người nước ngoài đến nước ta để công tác, làm ăn, học tập hay đi du lịch đã ghi nhận Việt Nam là đất nước thân thiện, cởi mở, nơi Tổng thống Mỹ hay nguyên thủ của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đi dạo phố mà không lo bị đe dọa an ninh vv. Đó là thành tựu mang đậm dấu ấn văn hóa chính trị mới của dân tộc ta.
Mặt khác, quá trình mở cửa và hội nhập với thế giới toàn cầu cũng không tránh khỏi có những hệ lụy khá nan giải. Dễ nhận ra nhất là xu hướng tiếp nhận xô bồ những sản phẩm, những giá trị văn hóa ngoại lai; là sự du nhập những biểu hiện của lối sống xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc; là những hiện tượng gian lận thương mại, xâm phạm an ninh (truyền thống và phi truyền thống) và cả những lệch lạc đáng lo ngại về tư tưởng và định hướng chính trị. Phải nhận chân những biểu hiện và xu hướng này, đánh giá chúng một cách khoa học thì chúng ta mới có những giải pháp ứng phó phù hợp.
Trong khuôn khổ nghiên cứu này chúng tôi mới chỉ có thể đưa ra được những nhận xét và kiến giải bước đầu về những xu hướng chuyển biến lớn của văn hóa chính trị Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay. Còn rất nhiều vấn đề mà chúng tôi chưa thể đề cập đến. Những kiến giải của chúng tôi xuất phát từ những chỉ dẫn có tính nguyên tắc của Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng, đồng thời có tiếp thu, vận dụng ở mức độ nhất định những lý thuyết, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu văn hóa chính trị của một số trường phái khoa học chính trị phương Tây.
Để có được những nhận định, phân tích và kiến giải khoa học “đến nơi đến chốn” về tình hình và xu hướng chuyển biến của văn hóa chính trị Việt Nam thì những khảo sát và tổng kết thực tiễn ở tầm mức đủ lớn là vô cùng cần thiết. Đây là điều mà hiện nay chưa một cá nhân nhà khoa học hay một nhóm nghiên cứu nào có điều kiện thực hiện thành công. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng đặc biệt, liên quan mật thiết đến sự bền vững của chế độ, đến sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên nhất thiết phải được quan tâm tổ chức thực hiện thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, vậy trước hết và trên hết là phải soi đường về phương diện chính trị, trước khi có thể rọi soi và chiếu sáng ở những lĩnh vực khác./.
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 104.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 38.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, sđd, tr. 192.
[10] Chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 546.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 66.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, sđd, tr. 546-547.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 156.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, tr. 184.